Site icon MIBET

Ở nơi người khuyết tật chữa lành với môn bắn cung

Cánh cung của người khuyết tật - Ảnh 1.

123b – Bắn cung là môn thể thao ngay những người mắt sáng đã khó chinh phục, đằng này lại có câu lạc bộ bắn cung dành cho người khuyết tật. Ở đây không chỉ là thể thao mà còn chữa lành, gắn kết những người kém may mắn lại với nhau.

Dù không thu khoản phí nào, anh Bình luôn hướng dẫn tận tình – Ảnh: AN VI

16h chiều, vừa bán xong cọc vé số, anh Nguyễn Nông Giang (50 tuổi, ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) hồ hởi chạy xe ba bánh tới Câu lạc bộ (CLB) bắn cung Đạt Đức ở một góc yên tĩnh trong Trung tâm Văn hóa thể thao quận Gò Vấp (TP.HCM) để bắt đầu buổi tập luyện.

Nơi chữa lành và gắn kết

Tháo chiếc xe lăn gài bên hông xe máy, anh Giang cẩn thận ngồi vào. Tiếng chào hỏi, cười nói của mọi người rôm rả. Miệt mài với cọc vé số cả ngày, anh nói giờ là lúc mình vui nhất. 

Nơi đây như ngôi nhà thứ hai, suốt ba năm kể từ khi CLB bắn cung được thành lập, hầu như ngày nào anh cũng lui tới vui vẻ tập luyện.

Sau vài động tác khởi động, anh bắt đầu lựa cung và tên để tập bắn. Ngồi xe lăn, anh lọt thỏm trong dàn người đứng trước vạch. Dù không có chân trụ nhưng từng lần kéo cung của anh đều rất dứt khoát và mạnh mẽ. 

Còn nói về độ chính xác, nhiều người lành lặn tham gia CLB cũng phải phục người đàn ông kém may mắn này.

Bắn thì không mất nhiều sức, song màn tháo tên mới là điều khiến những người khuyết tật như anh cảm thấy khó khăn khi chơi bộ môn này. 

Từ vạch bắn tới bia 50m, người bình thường chỉ mất vài chục giây là gỡ tên xong, nhưng anh Giang phải ì ạch lăn từng vòng bánh chiếc xe lăn rồi lại quay về điểm xuất phát tới vã mồ hôi.

Hôm nào có nhiều người tập bắn, mọi người hay gỡ tên giúp những VĐV khuyết tật, còn nếu tới sớm anh sẽ phải tự lo. 

“Đâu sao đâu, gỡ riết rồi quen. Chơi thể thao giúp mình sức khỏe tốt hơn mà. Anh Bình, chị Thảo quản lý ở đây rất tâm huyết, thường khuyến khích mình tập nên mình rất thoải mái”, anh Giang tâm tình.

Từ sân chơi năng động này, anh Giang đã đoạt huy chương đồng cự ly 30m và 50m Giải vô địch bắn cung người khuyết tật toàn quốc tháng 5-2024. “Điều mà người khuyết tật như tôi trước đây chưa bao giờ dám nghĩ”, anh vui vẻ nói.

Anh Giang khuyết tật chân nhưng đường cung vô cùng chính xác – Ảnh: N.SANG

Sân tập luyện 0 đồng

Cái tên Bình mà anh Giang hay nhắc chính là anh Trương Ngọc Bình (41 tuổi, ngụ Gò Vấp), người cũng bị khuyết tật chân và đã mở sân tập luyện miễn phí dành cho người khuyết tật.

Cơ duyên với môn bắn cung của anh Bình bắt đầu khi dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động đều dừng lại, anh không thể thi đấu bộ môn sở trường cầu lông được nữa. 

“May sao lúc đó TP.HCM phát động phong trào bắn cung cho người khuyết tật, để chọn thành viên vào đội tuyển người khuyết tật Việt Nam nên tôi đã đề xuất mở sân tập”, anh Bình nhớ lại.

Đây là môn thể thao sau khi làm quen anh cảm nhận hợp với người khuyết tật. “Thật ra môn này đơn thuần chỉ có động tác kéo và thả, nhưng cần phải duy trì nhịp tim và nhịp thở ổn định để đường cung đi chính xác. 

Nó cần mình phải là người điềm tĩnh, cứng rắn, giúp sống chậm lại, nhìn nhận lại mọi thứ, tránh xa sự xô bồ, tấp nập ngoài kia”, anh Bình chia sẻ.

CLB bắn cung Đạt Đức hoạt động từ 9h và sáng đèn tới tận 21h đêm, xuyên suốt từ thứ hai tới chủ nhật hằng tuần. 

Đến đây, mọi người sẽ được dạy từ cơ bản tới nâng cao, được hướng dẫn cầm cung và kéo dây cho chuẩn và quan trọng nhất là phần nguyên lý được anh Bình phân tích rất kỹ. Nếu ai đam mê, anh sẽ hướng dẫn nhiều kỹ năng nâng cao và hoàn toàn miễn phí.

Với anh Bình, khó khăn nhất là việc CLB thiếu dụng cụ tập luyện như cung tên, bia bắn, xe lăn chuyên dụng… 

Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, anh lướt trên Internet thấy ở nước ngoài trang thiết bị rất tốt. Vì vậy, anh Bình đã chủ động liên hệ và xin được những dụng cụ cũ như xe lăn chuyên dụng từ nước ngoài về cho mọi người có thiết bị an toàn khi tham gia thể thao.

“Mình cố gắng một phần thôi chứ vẫn cần sự hỗ trợ của mọi người mới có hôm nay. Nhiều anh chị tham gia nhưng không đủ điều kiện thì tụi mình hỗ trợ tối đa, gồm có sân bãi, cung, tên, dụng cụ… khả năng tới đâu tụi mình hỗ trợ tới đó. 

Tập thì miễn phí 100% quanh năm. Tụi mình cứ mua cung tên để đó, tích cóp, ai cần tới thì tụi mình cho mượn”, anh Bình cho biết.

Anh Bình còn trực tiếp làm cung và chế tạo mũi tên phù hợp với từng người và từng loại khuyết tật khác nhau để giúp người khuyết tật có thể tham gia môn thể thao này thuận lợi nhất.

Mọi người cùng chung bữa ăn như gia đình – Ảnh: N.SANG

Ở đây là gia đình thương yêu

Anh Bình dù rất giỏi chuyên môn nhưng luôn khẳng định với chúng tôi ở CLB không có sự hơn thua. “Hội viên có những áp lực riêng về cuộc sống, mình phải san sẻ. Cái đó mới đáng quý nhất ở nơi này chứ không cần phải bắn cung giỏi hay gì hết”, Anh Bình nói thêm.

Anh hiểu những người khiếm khuyết thường tự ti như rào cản giới hạn bản thân và rất nhạy cảm. Vì vậy, anh không bao giờ dùng lời lẽ khó nghe với mọi người mà luôn mang tới nguồn năng lượng tích cực.

“Ở đây mình gọi là CLB bắn cung nhưng cũng có thể nói là nơi chữa lành, vì có rất nhiều bạn gặp vấn đề về tâm lý trong cuộc sống lẫn công việc. Các bạn tới đây để xả stress, ngay cả các bạn lành lặn khi tới đây thấy mọi người khuyết tật nhưng vẫn lạc quan, các bạn sẽ mở lòng mình, gắn kết với nhau nhiều hơn”, anh Bình tự hào chia sẻ.

Anh Nguyễn Chí Cường (30 tuổi, ngụ quận 12) là người lành lặn khi tham gia CLB có nhiều người khuyết tật cũng rất đồng cảm. Nhưng thời điểm mới tiếp xúc với các anh chị khuyết tật, Cường cũng giữ kẽ.

“Sau này thấy các anh chị vui vẻ, hòa đồng thì mình càng cảm thấy thương hơn. Bản thân mình lành lặn, nên luôn sẵn sàng hỗ trợ các anh chị em khuyết tật. Mỗi dịp CLB tổ chức hoạt động cho các anh chị, mình cũng như các anh em lành lặn hơn luôn hỗ trợ để hoàn thiện thật tốt”.

Tại CLB Đạt Đức, chúng tôi thấy tất cả như một gia đình của nhau. Những người lành lặn như anh Cường chẳng khác nào đôi chân thứ hai của các hoàn cảnh kém may mắn trong lúc tập luyện.

Còn với anh Bình, dù chẳng thu bất kỳ đồng phí nào nhưng cách mà anh cầm tay chỉ cho từng người mới chơi, dạy họ cách điều tiết hơi thở khiến ai cũng cảm thấy nể phục.

Ngoài những giờ tập luyện là giải lao, thư giãn. Ai đi làm về thấy gì ngon là mua tới cùng nhau xúm lại ăn uống vui đùa rôm rả: “Hôm nay tôi bán ế mấy ông ơi”, “Ngày nay đi đường mệt mỏi quá”, “Tao với mày bắn độ chai nước nè”… Những bữa ăn, những lời chuyện trò thân tình giúp một ngày mưu sinh vốn đã quá khó khăn với người khuyết tật trở nên nhẹ nhàng đến lạ.

“Mình sẽ cố gắng duy trì, tổ chức những giải thường niên để mọi người có thêm cơ hội tham dự thể thao chuyên nghiệp. Ngoài ra, mình cũng muốn đào tạo vận động viên trẻ cho thành phố cũng như Việt Nam. Cá nhân mình cho rằng bộ môn này phù hợp người khuyết tật, có khả năng tham dự Para Games trong vòng bốn năm, tức là tới kỳ Para Games tại Thái Lan 2026 để có người tham dự giải này”, anh Bình chia sẻ dự định tương lai.

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã có mặt tại Paris để chuẩn bị tham dự Paralympic Paris 2024.

Exit mobile version